Bậc Mở mắt: Em đi thưa về trình em vui vẻ thân mật với bạn

A/ EM ĐI THƯA VỀ TRÌNH (tiết 1)
I/ Chuẩn bị:
– Một câu chuyện kể
– Một vài câu ca dao, tục ngữ
– Một vở kịch ngắn

II/ Bài giảng:
Bổn phận làm con phải biết vâng lời, thương yêu, kính trọng cha mẹ. Vì công ơn của cha mẹ như biển rộng, sông dài, lớn lao vô cùng vô tận không làm sao tả xiết.
Các em được sinh ra, được lớn khôn như ngày nay là nhờ công ơn sinh thành, nuôi nấng vô bờ bến của cha mẹ.
Mặc dù còn nhỏ, các em chưa có khả năng làm được những công việc nặng nhọc để phụ giúp cha mẹ. Nhưng những cử chỉ lễ độ, ngoan ngoãn của các em cũng đủ để làm cho cha mẹ vui sướng.
Vì vậy những việc nhỏ nhặt như đi thưa, về trình, luôn lễ phép với cha mẹ là các em đã thể hiện sự hiếu thảo đối với cha mẹ.
Là đoàn sinh GĐPT, các em phải luôn thực hành hàng ngày việc đi đâu phải thưa cho cha mẹ biết, khi về phải trình cho cha mẹ hay. Việc làm thường xuyên này là các em đã thực hành hạnh hiếu thảo theo lời Phật dạy và đã trở thành một Oanh vũ ngoan rồi đó.
Với việc làm nhỏ nhặt này, anh chị mong rằng các em sẽ thực hành một cách đều đặn, thường xuyên hằng ngày.

III/ Câu hỏi gợi ý:
1. Hằng ngày mỗi khi đi đâu, em có thưa với cha mẹ không?
2. Đi học về hay đi bất cứ đâu về, em có thưa,báo cho cha mẹ biết không?
3. Vì sao em phải đi thưa về trình?
4. Là oanh vũ, đi thưa về trình để thể hiện điều gì?

IV/ Bài tóm tắt:
Hằng ngày em đi học hay đi đâu về đều phải thưa, trình với cha mẹ, để thể hiện lòng tôn kính, hiếu thảo đối với cha mẹ, làm cho cha mẹ được vui sướng, quên đi những nổi nhọc nhằn, vất vả vì lo làm lụng để nuôi nấng em nên người. Đồng thời đó cũng là hành động thể hiện mình là một người con ngoan, một oanh vũ xứng đáng của tổ chức  GĐPT.

V/ Hướng dẫn thực hành:
– Có thể chia nhóm, đóng vai cha mẹ để thực hành.
– Khuyến khích các em thực hành hằng ngày
– Biểu dương khen ngợi các em thực hành tốt
– Khích lệ các em khác làm theo. 

B/ EM VUI VẺ THÂN MẬT VỚI BẠN (tiết 2)
I/ Chuẩn bị:
– Một câu chuyện
– Một vài hình ảnh
– Một trò chơi nhỏ thể hiện tinh thần đoàn kết, thân mật…

II/ Bài giảng:
Ở học đường, ở thôn xóm hay đến với GĐPT. Hằng ngày các em đều phải sinh hoạt, phải tiếp xúc với bạn bè. Do đó các em cần phải biết cách sống với nhau, xem nhau như những người thân thiết trong gia đình, phải cư xử với nhau một cách thân mật, hoà thuận, vui vẻ.
Là oanh vũ GĐPT, sinh hoạt, học tập, vui chơi với bạn em luôn có thái độ thân mật, xưng hô với bạn bằng cách xưng tên, gọi bạn.
Chan hoà, vui vẻ, tin yêu nhau là các em đã thực hành tốt châm ngôn của Đoàn “Hoà – Tin – Vui”.
Anh chị mong muốn các em luôn có cử chỉ cư xử, xưng hô thân mật, sống thân thiện với tất cả các bạn bè của em để xứng đáng trở thành những oanh vũ ngoan, để khỏi phụ lòng tin yêu của cha mẹ và các anh chị.

III/ Câu hỏi gợi ý:
1. Hằng ngày em phải tiếp xúc với các bạn ở đâu?
2. Em thường xưng hô với bạn như thế nào
3. Em có nên gọi bạn bằng mày (mi) và xưng toa (tau) hay không? Vì sao?
4. Nhưng cử chỉ như thế nào để tỏ ra em thân mật với bạn?
5. Thân mật với bạn là em thực hiện tốt điều gì trong sinh hoạt GĐPT?

IV/ Bài tóm tắt:
Trong học tập, sinh hoạt hằng ngày, các em thường phải tiếp xúc với bạn.
Thân mật, vui vẻ, chan hoà với bạn để được các bạn yêu mến, để thực hành tốt châm ngôn “ Hoà – Tin – Vui” của Đoàn
Luôn thể hiện mình là một oanh vũ ngoan, một đoàn sinh gương mẫu của tổ chức GĐPT, được cha mẹ, các anh chị trưởng tin yêu.

V/ Thực hành:
– Hàng tuần trong giờ sinh hoạt, Huynh trưởng hướng dẫn các em thực hành,
– Theo dõi cử chỉ, thái độ của từng em để kịp thời uốn nắn, dạy bảo.
– Kiểm soát hành vi của các em trong mọi sinh hoạt.

Thêm đánh giá
1
2
3
4
5
Đồng ý
     
Huỷ

Đánh giá bài viết

Gia đình Phật tử thành phố Huế
Đánh giá trung bình:  
 0 đánh giá