Bậc Mở mắt: Chuyện tiền thân - Mẫu chuyện đạo

A/ LÒNG HIẾU CỦA CHIM OANH VŨ (tiết 1)
I/ MỤC ĐÍCH: Các em hiểu được ý nghĩa câu chuyện, chim Oanh Vũ hiếu thảo với cha mẹ là tiền thân của Đức Phật Thích Ca

II/ CHUẨN BỊ
– Tranh ảnh: Con chim Oanh Vũ

III/ NỘI DUNG BÀI GIẢNG
1. Nội dung câu chuyện.
Thuở xưa, tại núi Tuyết Sơn, có một con chim Oanh Vũ, cha mẹ nó đều mù. Hằng ngày bay đi tìm trái cây thơm ngon đem về cho cha mẹ dùng. Vào lúc đó, có một vị điền chủ vừa mới cấy lúa trên thửa ruộng của mình và phát tâm: “Lúa tôi cấy đây xin nguyện để cho chúng sanh ăn dùng”. Chim Oanh Vũ nghe vị điền chủ phát tâm như vậy nên hằng ngày bay đến đó đem lúa về nuôi dưỡng cha mẹ.
Nhưng một hôm, vị điền chủ đi thăm ruộng thấy các loài chim rừng phá hoại lúa quá mức. Ông ta tức giận, bèn đặt lưới thì lại tình cờ bắt được chim Oanh Vũ. Chim Oanh Vũ lễ phép thưa: “Trước đây ông có lòng tốt bố thí, tôi mới đến lấy lúa, nay vì sao ông lại đặt lưới bắt tôi?”. Ông điền chủ hỏi: “Người đến lấy lúa để làm gì?”. Chim Oanh Vũ thật thà đáp: “ Thưa ông, cha mẹ già và bị mù nên tôi phải đi lấy lúa đem về cho cha mẹ ăn”.
Ông điền chủ nghe vậy lòng thương xót cảm động, nghĩ loài cầm thú cũng có lòng hiếu thảo không thua gì con người bèn bảo: “Từ nay về sau ngươi cứ đến lấy lúa đừng có e ngại gì cả”.
2. Ý nghĩa câu chuyện:
Chim Oanh Vũ trong truyện là tiền thân Đức Phật Thích Ca. Ông điền chủ là tiền thân Ngài Xá Lợi Phất. Sau này Ngài Xá Lợi Phất là đại đệ tử thông minh nhất của Đức Phật.
Lưu ý các em: Dựa vào câu chuyện này mà ngành Đồng niên GĐPT từ năm 1951 được có thêm tên gọi là ngành Oanh Vũ.
Do vậy các em phải áp dụng điều luật thứ 2 và hết lòng hiếu kính với cha mẹ vì hạnh hiếu là hạnh cao quý nhất.
Giải nghĩa từ vựng:
– Điền chủ: ông chủ ruộng.

B/ CỬ CHỈ NHÂN TỪ CỦA CHIM OANH VŨ (tiết 2)
I/ MỤC ĐÍCH: Qua câu chuyện các em hiểu được chim Oanh Vũ tuy nhỏ bé nhưng đã cố gắng cứu giúp đồng loại của mình là tiền thân của Đức Phật Thích Ca

II/ CHUẨN BỊ
– Tranh ảnh: Con chim Oanh Vũ

III/ NỘI DUNG BÀI GIẢNG
1. Nội dung câu chuyện:
Ngày xưa có một ông vua tính tình rất nóng nảy, lấy việc đi săn bắn, giết chóc làm thú vui. Một hôm, vào rừng để săn bắn, nhà vua trông thấy một con chồn chạy nhanh vào bụi rậm trốn, vua liền sai binh lính bao vây tìm kiếm rất kỷ nhưng cũng không tìm thấy được con chồn.
Tức giận, nhà vua ra lệnh đốt bụi rậm để làm cho thú vật bị cháy. Nhà vua vô cùng thoả thích khi thấy ngọn lửa bốc lên rừng rực và nghe tiếng thú vật kêu la thảm thiết.
Bỗng, một con chim Oanh Vũ lông màu trắng xuất hiện, nó vội vàng bay đến dòng sông gần đó, nhúng ướt thân mình rồi bay đến đám lửa rủ nước xuống để ra sức dập tắt lửa cứu các con vật bị nạn.
Nhìn thấy cảnh tượng chim Oanh Vũ nhỏ bé nhưng đem hết sức lực để dập tắt được ngọn lửa để cứu đồng loại, nhà vua và binh lính động lòng trắc ẩn và lấy làm xấu hổ vì hành động tàn ác của mình, liền ra lệnh dập tắt lửa. Kể từ đó, rút ra bài học loài vật cũng có tình thương, nhà vua liền ra lệnh cấm không cho ai vào rừng săn bắn nữa.
2. Ý nghĩa câu chuyện:
Chim Oanh Vũ trong truyện là một trong những tiền kiếp của Đức Phật Thích Ca. Câu chuyện này để lại cho các em một bài học, dù năng lực của mình có hạn chế, nhưng trước những cảnh đau thương của loài vật cũng phải cố gắng cứu giúp.
Các em luôn ghi nhớ và thực hiện điều luật thứ ba: Em thương người và vật.
Giải nghĩa từ vựng:
– Trắc ẩn: thương xót trong lòng.

Thêm đánh giá
1
2
3
4
5
Đồng ý
     
Huỷ

Đánh giá bài viết

Gia đình Phật tử thành phố Huế
Đánh giá trung bình:  
 0 đánh giá