Trong GĐPT, Trại là một loại hình sinh hoạt thông dụng bởi tính cách thích hợp với tâm lý ham thích hoạt động của Thanh Thiếu Nhi đem lại nhiều hiệu quả ích lợi trong việc giáo dục.
Ở trại huấn luyện A Dục, người Đoàn trưởng đã được tìm hiểu về ý nghĩa mục đích lợi ích và cách tổ chức trại-Trại Đoàn. Nhưng với vai trò và nhiệm vụ điều hành sinh hoạt toàn đơn vị, người LĐT lại phải thấu đáo nhiều hơn, nhất là các trại ở cấp Liên Đoàn.
I. Ý NGHĨA, MỤC ĐÍCH CHUNG CỦA TRẠI:
GĐPT tổ chức trại là tạo một môi trường nhằm mục đích giáo dục về cả 3 phương diện Đức dục, Trí dục và Thể dục.
+ Về đức dục: Để Huynh trưởng đoàn sinh huân tập những đức tính tốt, phát triển tâm linh, tinh thần lành mạnh (yêu đạo, yêu mến quê hương đất nước, phát huy tinh thần kỷ luật, đồng đội, tôn trọng tập thể, tính đoàn kết hoà hợp chia xẻ, tự lập, yêu đời, yêu mến thiên nhiên, ý thức bảo vệ môi trường, tháo vát, chịu khó…
+ Về Trí dục: Nhờ hoạt động bằng làm việc tiếp xúc, học hỏi quan sát tìm tòi mà trí tuệ phát triển, sáng kiến, óc khoa học, sự nhạy bén được nảy sinh.
+ Về Thể dục: Nhờ hoạt động nhiều, sống giữa thiên nhiên không khí trong lành mà giác quan được rèn luyện, thân thể cường tráng, sức khoẻ dồi dào, sức chịu đựng bền bỉ dẽo dai.
II. CÁC PHẠM VI TỔ CHỨC TRẠI LIÊN ĐOÀN:
Theo nghĩa từ Liên đoàn thì hai Đoàn trở lên cùng tổ chức trại thì gọi là Trại Liên đoàn. Nhưng thông thường Trại liên đoàn được tổ chức trong các phạm vi:
– Trại Liên đoàn ngành Nam (đoàn Thiếu Nam, Đoàn Nam Phật tử và Nam Oanh vũ)
– Trại Liên đoàn ngành Nữ (Đoàn Thiếu Nữ, Đoàn Nữ Phật tử, Nữ Oanh vũ)
– Trại cho tất cả các Đoàn của đơn vị GĐPT còn gọi là Trại gia đình và thường được tổ chức nhất.
III. THỜI GIAN VÀ MỤC ĐÍCH CỦA TRẠI LIÊN ĐOÀN:
Trại Liên đoàn có thể diễn ra trong khoảng thời gian 12giờ (sáng đi chiều về), 24giờ (ở lại 1 đêm) hoặc 36 giờ (ở lại 1 đêm), 48 giờ tuỳ yêu cầu của nội dung sinh hoạt và các điều kiện khác.
Nói chung tổ chức Trại Liên đoàn nhằm mục đích chính là giáo dục bằng phương pháp hoạt động, vừa làm vừa học. Nhưng tuỳ theo trường hợp và hoạt động trọng tâm Trại Liên đoàn có các mục đích cụ thể như:
1. Tu học, ôn tập, khảo sát:Sinh hoạt chính của trại là tạo cơ hội cho đoàn sinh vừa vui chơi vừa thực tập củng cố kiến thức đã tu học theo chương trình hàng tháng, hàng quý, hoặc tập thử thi vượt bậc để chuẩn bị cho đoàn sinh về kỹ năng, kiến thức và tinh thần, phấn khởi tự tin, mạnh dạn, thật thà mà tích cực, tham dự kỳ thi vượt bậc do BHD tổ chức được kết quả tốt nhất.
2. Cúng dường Tam bảo, phục vụ lễ lược các Phật sự: Đây là mục đích và trường hợp phổ biến mà GĐPT cần tổ chức Trại Liên đoàn, ít ra mỗi năm một, hai lần, và thường là chung cho cả toàn đơn vị, nhất là ngành Thiếu, ngành Thanh.
3. Bồi dưỡng sức khoẻ, tinh thần: Đây là mục đích rất cần thiết cho con người về thể chất lẫn tinh thần, nhất là trong thời đại ngày nay cuộc sống rất căng thẳng, không khí môi trường sinh thái bị ô nhiễm, đặc biệt là đối với cư dân ở các thành phố.
Trại Liên đoàn nhằm tạo điều kiện, cơ hội cho Huynh trưởng đoàn sinh nghỉ ngơi sau thời gian dài làm việc, học tập mệt nhọc, hưởng không khí trong lành, nhất là về mùa hè để bồi dưỡng sức khoẻ giải trí lành mạnh.
Ngoài ra đây còn là dịp để thay đổi không khí sinh hoạt, gây tinh thần phấn chấn, rèn luyện kỹ năng chuyên môn, thăm thú các di tích, cảnh đẹp thiên nhiên, kiến thức mở mang, huân tập nhiều đức tính tốt trong đời sống tập thể.
4. Thực hiện các hoạt động nhằm chia sẻ với cộng đồng, các hoạt động từ thiện như cứu trợ, giúp đỡ
5. Khảo sát tìm hiểu về đời sống phong tục tập quán của một bộ phận cư dân, lịch sử về các di tích văn hoá lịch sử, thắng cảnh thiên nhiên …
IV. CÁC LOẠI TRẠI LIÊN ĐOÀN:
Tuỳ theo các mục đích trên đây, chúng ta có thể phân biệt một số Trại Liên đoàn với các tên gọi:
– Trại ôn tập – Trại lễ – Trại hè – Trại hoạt động xã hội – Trại thám du…
V. THỂ THỨC CHUNG TỔ CHỨC TRẠI LIÊN ĐOÀN:
Do có nhiều loại Trại Liên đoàn tất nhiên cách tổ chức, thời gian địa điểm nội dung sinh hoạt, thành phần tham dự, phương tiện từng trại có khác nhau. Tuy vậy, nhìn chung muốn tổ chức bất kỳ Trại Liên đoàn loại nào, đều phải theo một số điểm sau đây:
1. Phải đảm bảo thủ tục hành chánh. Nếu trại trên 12 giờ ra khỏi phạm vi chùa thì phải trình xin phép BHD. Nhờ đại diện Niệm Phật đường trình xin phép chính quyền nơi diễn ra trại. Khi được chấp thuận mới thực hiện.
2. Trại nào cũng phải qua ba bước tổ chức kỹ lưỡng chu đáo:
– Trước trại (chuẩn bị)
– Trong khi trại (thực hiện)
– Sau trại (kết thúc)
* Chuẩn bị: Chuẩn bị là phần chiếm nhiều thời gian nhất và cần phải chu đáo đầy đủ mọi mặt, tức lập kế hoạch với nhiều vấn đề:
– Thủ tục hành chánh: như đã nói trên
– Xác định mục đích và xây dựng nội dung sinh hoạt
– Chọn thời gian và địa điểm (phù hợp với mục đích)
– Thành phần đoàn sinh tham dự
– Thành lập Ban quản trại
– Quy định nội lệ, vạch chương trình trại
– Khảo sát địa điểm để lập sơ đồ trại (phân chia khu vực cho các bộ phận của trại)
– Chuẩn bị các phương tiện liên quan
– Các phần hành, các Đoàn xúc tiến việc chuẩn bị
– Kiểm tra công việc chuẩn bị sẵn sàng trước khi thực hiện trại
3. Phải thực hiện đúng nội dung, đúng chương trình sát sao, thông suốt để đạt được mục đích yêu cầu đã đề ra. Trong lúc thực hiện phải theo dõi tuỳ tình hình mà kịp thời bổ sung sửa chữa các soi sót, bảo đảm an toàn về con người cũng như cảnh quan môi trường và tài sản của cộng đồng xã hội và bổ ích thiết thực, tạo không khí tươi vui phấn khởi cho đoàn sinh.
4. Gây được thiện cảm đối với quần chúng địa phương
5. Chương trình chung cho Trại Liên đoàn đại lược có mấy phần chính sau đây: (chỉ là gợi ý)
* Đây là chương trình cho trại toàn đơn vị (4 hay 6 đoàn), thời gian 24 giờ, địa điểm cách đoàn quán (chùa) khoảng từ 8-10km, phương tiện di chuyển: đi bộ (hoặc xe đạp)
– 6h: – Tập trung tại đoàn quán
Kiểm điểm đội ngũ, kiểm tra hành trang vật dụng (cá nhân, tập thể)
– 6h15’: Lễ xuất phát: Niệm Phật cầu gia bị
Lễ Gia đình Phật tử: Lời dặn dò, động viên của Gia trưởng
– 6h30’: Khởi hành
– 8h: Đến địa điểm/ Dựng lều và các công trình dự kiến
– 9h30’: Thực hiện nội dung 1 …
– 10h45’: Đỏ lửa (có thể không, nếu dùng thức ăn đã chuẩn bị sẵn)
– 11h30’: Ngọ trai / Nghỉ trưa
– 13h30’: Lễ khai mạc trại (chương trình riêng – đơn giản nhưng trang nghiêm)
– 14h: Tiếp tục thực hiện các nội dung kế tiếp (ôn tập hoặc tham quan khảo sát, trò chơi, công tác xã hội …)
– 17h: Đỏ lửa
– 18h: Ăn tối – Chuẩn bị lửa trại
– 19h30’: Lửa trại (hay họp vui quanh đèn)
– 20h: 15 phút quán sổ tức
Chỉ tịnh
* Ngày thứ hai:
– 4h30’: Đánh thức vệ sinh cá nhân, thể dục
– 5h30’: Điểm tâm
Hạ lều, tổng vệ sinh địa điểm trại
Kiểm tra đội ngũ và hành trang
– 6h30’: Lễ bế mạc trại (chương trình riêng, đơn giản gọn nhẹ nhưng trang nghiêm, ý nghĩa)
– 8h30’: Về đến chùa-Hồi hướng công đức
Dặn dò động viên-Dây thân ái
Kết thức trại
* Nếu là trại 36 giờ thì có thể đổi lại:
– 5h30’: Vệ sinh địa điểm trại
– 6h: Câu chuyện buổi sáng (hay còn gọi là câu chuyện dưới cờ)
– 6h30’: Điểm tâm
– 7h: Thực hiện tiếp các nội dung còn lại
– 10h45’: Đỏ lửa
– 11h30’: Ngọ trai, nghỉ trưa
– 13h30’: Hạ lều, dọn vệ sinh địa điểm
Cảm ơn chính quyền địa phương, một số bà con ở sát địa điểm (nếu có)
Kiểm tra lại hành trang
– 14h30’: Lễ bế mạc
– 17h: Về đến Đoàn quán
Hồi hướng công đức/ Dặn dò-Dây thân ái
Sau đây là phần hướng dẫn khái quát một số điểm căn bản riêng mấy Trại Liên đoàn tiêu biểu.
TRẠI HÈ
I. Ý NGHĨA, LỢI ÍCH CỦA TRẠI HÈ:
Trại hè là trại tổ chức vào mùa hè nhằm mục đích chính là để thay đổi không khí nghỉ dưỡng trong lúc thời tiết oi bức, tăng cường sức khoẻ bồi dưỡng tinh thần cho Huynh trưởng và đoàn sinh. Trại hè rất thích hợp đối với các đơn vị ở thành phố.
Trại nói chung, trại hè nói riêng có rất nhiều lợi ích thiết thực, có tính giáo dục cao về tất cả các mặt đức dục, trí dục và thể dục. Ở đây ta có thể nêu lên mấy lợi ích tiêu biểu của trại hè:
1. Về thể chất: Trong lúc thời tiết oi bức lại ở phố thị đông đúc ồn ào, xe cộ tấp nập đầy khói bụi … có hại cho sức khoẻ, nay được sống giữa thiên nhiên, không khí trong lành mát mẽ, môi trường sạch sẽ đẹp đẽ rất có ích cho sức khoẻ, đặc biệt là đối với lứa tuổi thiếu nhi thân thể đang độ phát triển.
– Nhờ các hoạt động vui chơi mà thân thể không những được phát triển tốt, sức khoẻ được bồi bổ mà còn tăng cường thói quen chịu đựng sương gió, con người trở nên dẽo dai, bền bỉ, nhanh nhẹn hoạt bát.
2. Về tinh thần: Trại hè đem lại cho đoàn sinh ích lợi về mặt tinh thần rất sâu sắc, đa dạng
– Đời sống ở trại sẽ gây cho các em tinh thần yêu đời, yêu thiên nhiên, có ý thức bảo vệ môi trường môi sinh và ham thích rèn luyện thân thể, trau dồi đức tính.
– Trại hè hun đúc các em tinh thần tự chủ, biết sống tự lập, vui chơi giải trí lành mạnh bổ ích sau những tháng học tập lao động căng thẳng mệt mỏi.
– Phát huy tinh thần tập thể, đời sống cộng đồng, thực hành nếp sống và làm việc trong tinh thần lục hoà, là những kỷ niệm đẹp khó quên làm cho các em yêu mến gắn bó hơn với Đoàn, với GĐPT mà hăng hái tinh tiến tu học.
– Giúp các em hiểu biết thêm về thiên nhiên, đất nước, con người … mà phát huy tinh thần yêu quý quê hương, có ý thức bảo vệ văn hoá, di tích thắng cảnh của đất nước…
– Qua nội dung sinh hoạt trại còn có thể là dịp các em ôn tập, củng cố tăng cường kiến thức các mặt trong chương trình tu học.
II. CÁCH THỨC TỔ CHỨC:
Cách thức tổ chức TRẠI HÈ trên nguyên tắc thể thức chung, các bước tổ chức … cũng giống như các trại khác bao gồm về thủ tục hành chánh, họp bàn lên kế hoạch, phân công nhân sự, chuẩn bị phương tiện, thống nhất nội dung chương trình, trong lúc thực hiện và khi kết thức trại.
Ở đây chỉ nêu lên mấy điểm quan trọng mà tính chất của trại hè đòi hỏi phải đáp ứng.
1. Phạm vi tổ chức: Trại hè nên tổ chức trong phạm vi 2 hoặc 3 đoàn gọn nhẹ, dễ điều hành kiểm soát. Nhưng nếu đủ nhân sự có năng lực và phương tiện đầy đủ thì có thể tổ chức cấp đơn vị (4 đoàn hoặc 6 đoàn)
2. Thời gian và địa điểm: Thời gian cho một trại hè vào khoảng 24-36 giờ là vừa đủ.
Tuỳ điều kiện địa lý, thiên nhiên, khí hậu, thời tiết môi trường mà chọn địa điểm phù hợp.
Thông thường thì địa điểm lý tưởng để tổ chức trại hè là bãi biển, ven sông, rừng núi cao nguyên, các khu danh thắng, du lịch ở xa thành phố (khoảng 10-20km)
3. Nội dung chương trình: Tuy nói trại hè nhằm thay đổi không khí trong lúc hè nóng bức, nhưng không phải chỉ là đi cắm trại suông và vui chơi mà thôi, mà cần chú trọng đến tác dụng giáo dục của trại. Vì vậy cần phải nghiên cứu và chuẩn bị kỹ lưỡng một chương trình có nội dung cụ thể.
– Lồng ghép những tiết mục ôn tập vào chương trình sinh hoạt hàng ngày của trại.
– Tổ chức các tiết mục thực hành thể dục, trò chơi thể thao
– Chuẩn bị các trò chơi nhỏ, bài hát mới, trờ chơi lớn.
– Xây dựng các tiết hoạt động nhằm tìm hiểu thiên nhiên, kinh tế, văn hoá lịch sử xã hội… để mở rộng kiến thức cho đoàn sinh.
4. Vài điều cần quan tâm: Trại hè thường có những sinh hoạt đôi lúc có tính cách “mạo hiểm”, có thể xảy ra tai nạn … Cho nên về khâu tổ chức chuẩn bị cần lưu ý các biện pháp phòng tránh, chữa trị ốm đau, tai nạn.
– Về y tế, chuẩn bị chu đáo hộp cứu thương với đầy đủ các loại thuốc chữa bệnh thông thường, băng bó vết thương, cấp cứu rắn cắn, gãy xương, dây thừng để cấp cứu, cáng thương, phao cứu sinh …
– Trong lúc tiến hành các môn sinh hoạt trong nội dung chương trình trại cần phải có biện pháp phòng tránh tai nạn và dự trù phương án cứu nạn để có thể ứng phó kịp thời, đặc biệt là trong các hoạt động như tắm biển, leo núi, thám sát hang động, vượt sông suối, qua đèo, băng rừng …
– Lưu ý giữ gìn sức khoẻ của đoàn sinh nhất là bảo đảm vệ sinh cá nhân, ăn chín uống sôi.
– Bảo vệ môi trường môi sinh cảnh quan thiên nhiên, tôn trọng giữ gìn di tích văn hoá lịch sử, giữ quan hệ tốt với quần chúng địa phương.
5. Chương trình:
Dựa vào bản gợi ý về chương trình khái quát đã giới thiệu trên mà châm chước cho hợp lý thích ứng với điều kiện thực tế.
TRẠI CÔNG TÁC XÃ HỘI
I. Ý NGHĨA MỤC ĐÍCH:
Tinh thần vị tha của đạo Phật đã được thể hiện trong mục đích của GĐPT là “ … góp phần phụng sự đạo pháp và xây dựng xã hội” và qua sự xác lập môn Hoạt động xã hội trong chương trình tu học cho nên thực hiện các hoạt động từ thiện xã hội là việc làm tất nhiên mà bất cứ đơn vị GĐPT nào đều thường cố gắng tổ chức dưới nhiều hình thức, trong đó có Trại công tác xã hội.
Vậy trại công tác xã hội là trại để thực hiện các hoạt động xã hội nhằm chia sẻ với cộng đồng, trợ giúp … góp phần giảm bớt khó khăn thiếu thốn thương đau của đồng bào lúc gặp hoạn nạn, tai trời ánh nước.
II. CÁCH TỔ CHỨC TRẠI CÔNG TÁC XÃ HỘI:
Thể thức tổ chức trại công tác xã hội trên căn bản cũng như các trại khác, ở đây chỉ nêu lên một số điểm đặc biệt cần thiết cho loại trại này mà thôi.
1. Phạm vi tổ chức:
Cấp Đoàn cũng có thể tổ chức loại trại này, nhưng đối với trại cấp Liên Đoàn thì hiệu quả công tác mới cao hơn.
– Tổ chức cho 2, 3 đoàn trở lên
– 4 đoàn gồm Thiếu Nam, Thiếu Nữ, Nam Phật tử, Nữ Phật tử.
– Cũng có thể tổ chức cả 6 đoàn (tức toàn đơn vị) để cho các em Oanh vũ có dịp huân tập hạnh Từ bi, tinh thần vô ngã vị tha nhờ làm quen với công tác xã hội (nhưng chỉ các em tương đối lớn mới tham gia).
2. Trường hợp tổ chức:
Trại Công tác xã hội có thể tổ chức trong hai trường hợp:
a. Theo chương trình hàng năm với các mục tiêu cố định đã nhắm đến như: Trồng cây, vệ sinh môi trường, sửa chữa đường sá, mương máng thuỷ lợi, cầu cống, tu sửa trường học, nhà cửa của đồng bào nghèo, đào vét giếng, khám bệnh phát thuốc, lương thực, tuyên truyền vận động về an toàn giao thông, bài trừ mê tín dị đoan, tệ nạn xã hội, bảo vệ sức khoẻ, chích ngừa, an toàn thực phẩm, kế hoạch hoá gia đình, xây dựng khu dân cư văn hoá …
b. Các hoạt động bất thường cứu trợ đột xuất cấp thời. Đây là loại không thể dự trù thời gian, địa điểm trước, chỉ thực hiện cấp thời khi có sự cố xảy ra như bão lũ, tai nạn, hoả hoạn …
3. Thực hiện: Không nhất thiết tất cả các hoạt động xã hội đều phải tổ chức trại chỉ trong các trường hợp cần thiết, thuận lợi và có điều kiện mới nên áp dụng.
Khi thực hiện trại công tác xã hội cần lưu ý mấy điều căn bản:
a. Chuẩn bị: Tuỳ theo mục tiêu hoàn cảnh thực tế đã được tìm hiểu mà vạch kế hoạch thực hiện.
– Xin phép BHD, chính quyền địa phương liên quan.
– Xây dựng nội dung hoạt động (tức chọn lựa công tác)
– Về nhân sự thì ngoài BQT điều hành còn cần vận động những người có chuyên môn phụ trách thực hiện như cán bộ kỹ thuật, thợ chuyên ngành, nhân viên y tế …
– Tài chính, phương tiện, vật dụng, phẩm vật … phục vụ cho chương trình … phải đảm bảo đầy đủ số lượng đáp ứng nhu cầu và chất lượng tốt.
– Nội dung chương trình phải vừa sức, khả thi và phải đem lại hiệu quả cụ thể, lợi ích thiết thực.
– Nếu có sự yêu cầu hợp tác từ các cá nhân, tổ chức đoàn thể mà mình không rõ hoạt động mục đích của họ thì phải thận trọng, cần hỏi ý kiến cấp trên.
b. Trong lúc thực hiện: Hoạt động cần tiến hành đúng nội dung, yêu cầu, đúng thời gian và tiến độ. Ban quản trại phải thường xuyên kiểm tra đôn đốc, động viên tinh thần hăng hái của đoàn sinh, sửa chữa kịp thời các sai sót.
– Một điều rất quan trọng mà Ban Quản trại cần lưu ý là nhắc nhở khuyến khích các đoàn sinh tích cực làm việc không vì dụng tâm cầu lợi cho bản thân, đoàn thể của mình, không vì danh tướng mà chỉ hành động với tinh thần vô ngã vị tha, bi trí dũng, tương thân tương ái chân thật trong sáng của người Phật tử.
– Mọi người cần thận trọng trong cử chỉ thái độ cư xử, lời nói nhẹ nhàng, nhã nhặn thân ái khi giao tiếp, phòng tránh những ngộ nhận, sự việc đáng tiếc có thể xảy ra.
c. Kết thúc công tác: Khi kết thúc chương trình có mấy điều cần làm:
+ Tại chổ phải ghi nhận những việc đã thực hiện được, tài chánh hàng hoá đã chi dùng, số người được trực tiếp hoặc gián tiếp thụ hưởng.
– Tình cảm của quần chúng địa phương
– Tinh thần của Huynh trưởng và đoàn sinh.
+ Sau khi trở về đơn vị cần họp BHT để tổng kết, đánh giá kết quả rút ưu khuyết điểm làm kinh nghiệm về sau, động viên khen thưởng các tập thể và cá nhân tích cực nhất.
– Báo cáo kết quả lên Ban hướng dẫn.
KẾT LUẬN:
Hoạt động từ thiện xã hội là một trong những nội dung tu học căn bản đúng với mục đích lý tưởng GĐPT. Không phải thời đại văn minh, xã hội tiến bộ, đời sống sung túc thì không còn những người nghèo túng khó khăn khổ sở, không có hoạn nạn, dịch bệnh, thiên tai… không cần đến sự trợ giúp của những người giàu lòng nhân ái, thiện tâm. Sự thật ấy muôn đời vẫn hiện hữu trên cuộc đời sẽ thôi thúc tâm hồn người Phật tử vì đời mà hành động. Đừng nại cớ tổ chức chúng ta nghèo, chớ biện bạch rằng của ít, việc nhỏ chẳng tới đâu để lẫn tránh trước nỗi khổ của đồng bào.
Với tình thương trí tuệ và sức mạnh tinh thần của GĐPT chúng ta sẽ biến không thành có, đổi khó thành dễ để có thể mang lại phần nào hơi ấm và niềm vui cho những người thiếu may mắn đang khao khát hạnh phúc.
Một LĐT tài năng và tâm huyết sẽ là dộng lực cho ý tưởng ấy thành hiện thực vậy.
TRẠI DU KHẢO
Trại du khảo hay còn gọi là trại Thám du là một loại hình Trại đặc biệt, tuy trên thực tế GĐPT ít có điều kiện để thực hiện, nhưng nó vẫn có những giá trị nhất định nhất là về các mặt văn hoá, xã hội nhân văn, giáo dục … nên GĐPT cũng rất cần đưa vào nội dung chương trình tu học và cố gắng để có thể áp dung khi có điều kiện.
I. Ý NGHĨA MỤC ĐÍCH:
Trại du khảo là trại vừa mang tính chất du ngoạn, thăm thú, nhưng đồng thời nhằm mục đích khảo sát, nghiên cứu tìm hiểu những địa điểm cụ thể, những sự kiện hay sự vật … về thiên nhiên, lịch sử văn hoá, nghệ thuật hoặc vấn đề liên quan đến đời sống dân cư như kinh tế, phong tục tập quán, tín ngưỡng, sức khoẻ cộng đồng, trên cơ sở đó hoặc nâng cao kiến thức, mở rộng hiểu biết của đoàn sinh hoặc xây dựng phương án khai thác tiềm năng, phát triển giá trị kinh tế, văn hoá hoặc giúp đỡ cải thiện đời sống nhân dân ở địa phương đó.
II. PHẠM VI TỔ CHỨC:
Trên tính cách hoạt động và lợi ích thì trại thám du có thể áp dung cho các đoàn Thanh hay Thiếu, nhưng về mặt mục đích và thực tế hơn thì Trại Du Khảo chỉ nên tổ chức cho Ban Huynh trưởng vì đối với đoàn sinh thì hàng năm đã có nhiều trại rồi vã lại trại du khảo cho đoàn sinh sẽ hạn chế rất nhiều về kết quả. Với Ban Huynh trưởng trại du khảo sẽ giúp cho BHT có thêm điều kiện để xây dựng phương án chương trình tu học, sinh hoạt thường kỳ (du ngoạn, trại, tham quan …) hoặc các hoạt động bất thường (công tác xã hội, cứu trợ).
III. CÁC LOẠI TRẠI THÁM DU:
Tuỳ theo mục đích của cuộc thám du, chúng ta có thể phân ra 2 loại trại du khảo.
1. Trại du khảo để xây dựng chương trình tu học cho đoàn sinh:
Trại này vừa thực hiện chương trình tu học của Huynh trưởng nhằm nâng cao kiến thức, khả năng chuyên môn và rèn chí cho Huynh trưởng nhưng đồng thời cũng còn là để có những hiểu biết thực tế, trên cơ sở đó thêm ý tưởng trong việc vạch chương trình tu học của đoàn sinh như dự trù tổ chức du ngoạn, trại bay, trại hè, trại ôn tập, tham quan cho các đoàn, hay liên đoàn.
2. Trại du khảo để xây dựng kế hoạch thực hiện chương trình hoạt động công tác xã hội:
Nếu với loại 1, địa điểm khảo sát sẽ là nơi đoàn sinh sẽ được tổ chức đến du ngoạn, sinh hoạt, cắm trại theo kế hoạch chương trình tu học đã vạch trước, thì ở loại 2, nơi được tìm hiểu sẽ là địa bàn để đoàn sinh đến thực hiện các công tác xã hội như trồng cây, làm sạch môi trường, tu sửa đường sá, cầu cống, phổ biến các kiến thức về kỹ thuật sản xuất như trồng trọt, chăn nuôi, ngành nghề, về vệ sinh, sức khoẻ, dân số hay cứu trợ giúp đỡ đồng bào … mà BHT đã nắm rõ về tình hình đặc điểm, hoàn cảnh, nhu cầu qua trại du khảo trước đó và đã lập phương án hoạt động cho đơn vị.
IV. VÀI ĐIỂM CẦN CHÚ Ý TRONG VIỆC TỔ CHỨC:
Ngoài các nguyên tắc cơ bản trong việc tổ chức trại nói chung, đối với trại du khảo còn có mấy điểm đáng chú ý đặc biệt như sau:
– Cần xác định trước mục đích mục tiêu và đối tượng sự kiện sự vật cần khảo sát nghiên cứu.
– Các biện pháp thực hiện cuộc điều tra khảo sát như khảo sát trên hiện vật, nghiên cứu tài liệu, di tích, phỏng vấn …
– Dự liệu nội dung điều tra phỏng vấn, con người cần phỏng vấn …
– Dự liệu và chuẩn bị đầy đủ các phương tiện, dụng cụ cần thiết liên quan đến việc nghiên cứu khảo sát. Ví dụ: Sổ sách để ghi chép, máy chụp hình, máy ghi âm, điện thoại, đồ dùng trong việc khai quật, đồ dùng để dập văn bia, vật hình khắc chạm …
– Trong bước chuẩn bị, phần thủ tục hành chánh cần có sự quan hệ tốt với chính quyền và nhân dân địa phương để nhờ sự giúp đỡ, hợp tác thuận lợi.
– Khảo sát điều tra là một công việc có tính cách khoa học nên cần phải tôn trọng sự thật và đảm bảo độ chính xác cao vì vậy khi thực hiện phải căn cứ vào các chứng tích cụ thể, các tài liệu xác thực, nhân chứng đáng tin cậy và phải cẩn thận trong việc đo đạc, ghi chép các số liệu phải chính xác, nếu là nguồn tin thì phải được kiểm chứng lại trước khi kết luận.
– Trong khi thực hiện có thể phân chia nhóm điều tra viên phụ trách khảo sát một số phần việc khác nhau, nhưng khi kết thúc thì tổng hợp thành một bản kết quả điều tra có hệ thống.
– Nếu là cuộc điều tra về tình hình cuộc sống của cộng đồng dân cư (như kinh tế, văn hoá, giáo dục, y tế …) thì cần ưu tiên chú trọng đến các đặc điểm, sự kiện nổi bật, các nhu cầu thiết yếu nhất và các nhu cầu mà khả năng của chúng ta có thể đáp ứng được.
– Trong lúc tiến hành điều tra nghiên cứu phải cẩn thận không làm xâm hại đến hiện vật, di tích, nếu có mượn tài liệu, văn kiện, giấy tờ, sách báo thì phải giữ gìn không làm hư mất, phải hoàn trả chủ nhân đầy đủ minh bạch.
KẾT LUẬN:
Công việc được phác hoạ sơ bộ trên đây quả là phức tạp khó khăn đòi hỏi người thực hiện không những có trình độ văn hoá tương đối và khả năng chuyên môn nhất định về lãnh vực điều tra nghiên cứu khoa học, mà với anh chị em Huynh trưởng chúng ta năng lực vốn hạn chế, xem ra hầu như là thiếu thực tế.
Nhưng với phương châm “vừa làm vừa học” và với tinh thần ham học hỏi, không ngại khó, thích hoạt động và nhất là mục đích góp phần xây dựng xã hội, thì trại du khảo sẽ là một môi trường hoạt động học tập rất bổ ích cho GĐPT, đặc biệt là đối với anh chị em Huynh trưởng chúng ta./
*****KẾT LUẬN CHUNG :
Chúng ta đã biết “Trại là một trường huấn luyện đặc thù, một môi trường giáo dục thanh thiếu nhi rất tốt về tất cả các mặt đức dục, trí dục, thể dục, tình cảm và xã hội tính.”
Các loại trại cấp Liên đoàn GĐPT có thể đáp ứng được đầy đủ các yêu cầu mục đích đó. Vậy nên các BHT đơn vị, đặc biệt là LĐT cần am hiểu ý nghĩa, lợi ích, cách thức tổ chức đã đành mà còn phải nghiên cứu thực hiện nếu được mỗi năm một lần thì sẽ đem lại thành quả và lợi ích không nhỏ cho đơn vị GĐPT. Dù là trại dưới hình thức nào cần nắm vững nguyên tắc:
Đến sạch – Ở sạch – Đi sạch