Bậc Tung bay: Lịch sử Đức Phật Thích Ca

A/ TỪ SƠ SANH ĐẾN XUẤT GIA (tiết 1)
I/ MỤC ĐÍCH: Giúp các em nắm vững nơi Đản sanh, thời niên thiếu và những ưu tư về cuộc đời của Thái Tử

II/ NỘI DUNG BÀI GIẢNG:
Đản sanh.
Trong một giấc ngủ, Hoàng hậu Ma Da (Maya) Vợ Vua Tịnh Phạn (Suddhodana) nằm mộng thấy một con voi trắng sáu ngà vòi ngậm cành sen trắng theo luồng ánh sáng từ không trung sà xuống rồi đi vào hông phải của bà. Hoàng hậu thọ thai.
Vào buổi sáng tinh mơ ngày rằm tháng hai Ấn Độ(tức rằm tháng tư theo lịch Tàu), năm 624 trước Công nguyên, theo tục lệ Hoàng hậu xin vua trở về nhà cha mẹ để sinh, khi đi ngang vườn Lâm Tỳ Ny (Lumbini), dừng chân ngắm xem hoa lá, trong lúc đưa tay vịn cành cây Vô Ưu (Jonescia Asoka)(*) thì sanh Thái tử.
Khung trời Lâm Tì Ni bỗng rực rỡ hào quang, hương thơm ngào ngạt, chim hót véo von. Hoa viên Lâm Tì Ni ở về phía đông thành Ca Tì La Vệ (kapilavastu) nay thuộc Nepal, dưới chân núi Hy Mã Lạp Sơn (himalaya) hùng vĩ.
Đạo sĩ A Tư Đà (Asita) đang tu ở vùng Hy Mã Lạp Sơn nghe tin liền xuống núi đến hoàng cung xin vua Tịnh Phạn cho yết kiến Thái tử sơ sinh. Khi nhìn thấy Thái tử có 32 tướng tốt và 80 vẻ đẹp vị Đạo sĩ liền sụp lạy và bật khóc. Thấy vậy nhà vua và hoàng hậu hết sức hoảng sợ, chỉ yên tâm khi được vị Đạo sĩ này giải thích khi nhìn thấy tướng mạo của Thái tử thì tiên đoán Thái tử sau này sẽ xuất gia trở thành một vị Phật cứu độ chúng sanh, nếu làm vua sẽ là vị Chuyển luân thánh vương Đạo sĩ giải thích thêm lý do đạo sĩ khóc vì tiếc rằng tuổi đã già, chẳng sống được bao lâu để được nghe những lời dạy của Đấng Giác ngộ.
Thời niên thiếu
Thái tử được đặt tên là Tất Đạt Đa, hiệu là Thích Ca, họ là Kiều Tất La (họ và tên là Kiều Tất La Thích Ca Tất Đạt Đa)
Bảy ngày sau khi sanh Thái tử, Hoàng hậu Ma Da từ trần, vua giao cho di mẫu là bà Kiều Đàm Di (Gotami) cũng có tên là Ma Ha Bà Xà Bà Đề (Maha Prajapati) nuôi nấng. Lúc Thái tử lên bảy, nhà vua mời các danh sư trong nước dạy dỗ, chỉ một thời gian ngắn Thái tử đã tiếp thu hết tất cả kiến thức của thầy. Thái tử cũng đã sớm tỏ là một thiếu niên rất mực thương yêu loài vật.
Đức vua hết sức cưng chìu, xây ba cung điện mỹ lệ, tuyển các cung nữ để ca múa giúp vui nhưng Thái tử tỏ ra không quan tâm mà lại luôn có vẻ trầm tư kín đáo.
Nhớ lại lời tiên đoán của đạo sĩ A Tư Đà, để ràng buột Thái tử với cuộc đời và để nối ngôi sau này, khi Thái tử 17 tuổi, Vua cha cưới vợ cho Thái tử là Công chúa Da Du Đà La (Yasodhara), con vua Thiện Giác (Supprabuddha) và Hoàng hậu A Mi Đà (Amita) xứ Đề Bà Đa Ha (Devadaha).
Thời gian sau, công chúa sinh hạ một con trai tên là La Hầu La (Rahula)
Ưu tư về cuộc đời.
Một hôm vua cha cho đi dự lễ hạ điền. Thái tử nhìn thấy cảnh nông dân làm ruộng cực nhọc dưới ánh nắng như thiêu như đốt, lại chứng kiến cảnh loài vật giết hại lẫn nhau, chim chóc giành ăn sâu bọ và những con giun đất đang quằn quại sau những luống cày càng làm cho Thái tử thêm ưu tư và xót xa. Tiếp theo, được vua cha cho phép, Thái tử bốn lần đi ra ngoài cửa thành dạo chơi.
Lần thứ nhất, ra cửa Đông, Ngài gặp một ông già tóc bạc, da mồi, mắt lòa, cầm gậy đi một cách khó khăn.
Lần thứ hai, ra cửa Nam chứng kiến một người bệnh đang nằm bên đường rên rỉ, than khóc vì cơn bệnh hành hạ.
Lần thứ ba, ra cửa Tây, nhìn thấy một thây chết đang sình lên. Ruồi lằn bu lại bày ra một cảnh vừa thương tâm vừa kinh sợ.
Những cảnh tượng trên càng làm cho Ngài ưu tư suy nghĩ nhiều về những sự thật phủ phàng của đời con người.
Lần thứ tư, ra cửa Bắc, Ngài bắt gặp một người phong thái thong dong, đĩnh đạt, Ngài hỏi người đó là ai. Vị đó trả lời: “Tôi là kẻ sa môn tu hành giải thoát, quyết bỏ sự ràng buộc của thế gian nhằm mong giải thoát những người khác đều được như mình”. Cuộc đối thoại này tác động mạnh đến tâm tư của Ngài và là động lực thúc đẩy Thái tử quyết tâm xuất gia tìm đạo cứu độ chúng sanh.

III/ GIẢI NGHĨA TỪ VỰNG
– Đản sanh: là sự ra đời vui vẻ, làm sáng lạn cõi đời.
– Minh quân: vị vua sáng suốt.
– Nhân ái: Lòng thương người.

IV/ CÂU HỎI
1. Hoàng hậu Ma Da nằm mộng thấy gì?
2. Thái tử Tất Đạt Đa con của vua và hoàng hậu nào?
3. Hoàng hậu qua đời, ai chăm sóc nuôi dưỡng Thái tử?
4. Thái tử sinh ngày, tháng năm nào và tại đâu?
5. Ai xem tướng cho Thái tử và tiên đoán những gì?
6. Vợ con Thái tử là ai?
7. Thái tử ra cửa thành mấy lần, gặp những cảnh khổ gì?
Lưu ý: Chuẩn bị một số hình ảnh để minh họa.
Tập cho các em bài hát “Đón mừng Ánh đạo” của Nguyên Đàm – Hữu Nghĩa.
(*) Có tên khác là hoa Ưu Đàm Bát La (Udambara).

B/ TỪ XUẤT GIA ĐẾN THÀNH ĐẠO (tiết 2)
I/ MỤC ĐÍCH: Giúp các em hiểu biết được con đường tu tập và Thành Đạo của Ngài

II/ NỘI DUNG BÀI GIẢNG:
Sau một đêm yến tiệc linh đình. Đến trước cửa phòng ngủ của Công chúa, Thái tử ngần ngại không dám vào. Sợ làm Công chúa thức giấc sẽ gây chướng ngại cho chí nguyện xuất gia của mình, chỉ đứng nhìn một cách âu yếm vợ con, hai người yêu quý nhất đang nằm ngủ một cách êm ấm, mà lòng dâng lên một tình thương vô bờ. Trong khoảng cách trọng đại này, đối với Thái tử tình thương muôn loài cần phải cứu độ lại càng mãnh liệt hơn vì vậy quyết định rời khỏi Hoàng thành lúc Thái tử 19 tuổi (*) vào đêm mồng 8 tháng Hai âm lịch. Khi vượt qua sông A Nô Ma, Thái tử xuống ngựa Kiền trắc (kantaka), dùng gươm cắt tóc, cởi đồ trang sức quý báu giao cho Xa Nặc (Channa) với cây bảo kiếm để đem về trình vua cha. Cuộc chia tay quá cảm động, Xa Nặc người hầu cận thân tín của Thái tử bùi ngùi, bịn rịn không muốn ra về, còn con ngựa trung thành Kiền Trắc không cầm được nước mắt, lưu luyến cúi xuống liếm chân Ngài (**).
Thái tử hỏi đạo.
Trước hết, Thái tử đi tìm hiểu và tu theo các đạo đang có trong nước, xem đạo nào là chân chính giải thoát. Ngài đã qua ba lần hỏi đạo. Lần thứ nhất Thái tử hỏi với các vị Tiên Bạc Đà Bà (Bhranama), lần thứ hai hỏi đạo chỗ ông A La la (AlaraKalama) lần ba hỏi đạo với đạo sĩ Uất đầu Lam Phất (Uddaka Ramaputta). Qua ba lần đi hỏi đạo trên, Thái tử tiếp thu tất cả nhưng đều cảm thấy các môn này chưa phải là đạo giải thoát chân chánh, Ngài nghĩ rằng: Phải tự mình tu chứng để tìm ra đạo giải thoát mà cứu độ chúng sanh.
Thái tử tu khổ hạnh.
Sau đó ngài đến bên rừng Ưu Lâu Tần Loa (Uruvela) bên bờ sông Ni Liên Thuyền (Nairanjana) và bắt đầu tu khổ hạnh với năm người bạn là nhóm ông Kiều Trần Như (Kondanna). Ngài cương quyết tu ép xác, mỗi ngày chỉ ăn một hột gạo, hột mè. Liên tiếp chịu đựng trong 6 năm, đến nỗi thân thể ngài gầy còm chỉ còn da bọc xương, nên ngài bị ngất xỉu vì kiệt sức.
Khi tỉnh lại, Ngài hiểu ra rằng tự hành hạ thân xác như vậy thì không ích gì, mà cần phải giữ lấy cái thân mới có thể tìm được đạo giải thoát. Nghĩ vậy Ngài ăn uống trở lại bình thường. Nhóm năm người bạn đồng tu Kiều Trần Như tưởng rằng Ngài đã thối chí, bèn bỏ ngài, rủ nhau đi qua nước Ba La Nại (Benares) vào vườn Lộc Uyển (vườn Nai hoặc vườn Hươu) tiếp tục tu khổ hạnh.
Thái tử Tham thiền dưới cây Bồ Đề.
Sau 6 năm tìm thầy học đạo và tu khổ hạnh, có khi mỗi ngày chỉ ăn một hạt mè và hệ quả đã làm Thái tử suy kiệt và bất tỉnh. Cô thôn nữ Tu Xà Đề (Sujata) đi ngang qua trông thấy bèn dâng Thái tử một bát cháo sữa nhờ vậy sức khỏe Ngài hồi phục lại. Còn Thái tử nhận ra rằng lối tu khổ hạnh không đem lại kết quả bèn xuống sông Ni Liên Thuyền (Niranjana) tắm rửa sạch sẽ, rồi đi về núi Tượng Đầu (1) trải cỏ (2) làm đệm ngồi tĩnh tọa tham thiền suốt 49 ngày đêm dưới gốc cây Tất Bát La (Pippala) Đến khi Đức Phật thành đạo cây này mới đổi tên là cây Bồ Đề (cây Giác Ngộ). Ngài phát lời thề rằng: “Nếu ta không đắc đạo thì dù thịt nát xương tan quyết không đứng dậy khỏi chỗ này”.
Thái tử chiến thắng ma vương và thành đạo
Trong khi Thái tử tham thiền nhập định, các Ma Vương sợ ngài Thành đạo sẽ giác ngộ cho muôn loài, bèn dùng thủ đoạn quấy phá như kéo đến cả đội binh đủ các loại gươm đao, mặt mày hung tợn, đằng đằng sát khí, gào thét kinh hồn nhưng chẳng lay chuyển được Thái tử. Rồi chúng bày trò đem ba nàng ma nữ thân hình khêu gợi, ca múa lả lơi để cám dỗ, quyến rũ Thái tử nhưng chúng cũng đành bất lực. Ý chí sắt thép của Thái tử đã khuất phục tất cả.
Tuần tự Thái tử trải qua các tiến trình chứng ngộ Túc mạng minh (biết quá khứ của mình), Thiên nhãn minh (thấy tất cả chúng sanh tạo nhân quả) và Lậu tận minh (diệt sạch nguồn gốc lầm mê). Đến khi sao Mai vừa mọc ngày mồng 8 tháng Chạp âm lịch, Ngài chứng ngộ thành bậc Vô thượng giác hiệu là Phật Thích Ca Mâu Ni. Lúc ấy quả đất có hiện tượng rung động, nhạc trời chúc tụng, mưa hoa cúng dường.

III/ GIẢI NGHĨA TỪ VỰNG
– Khổ hạnh: Sự luyện tập khắc khổ, ép xác.
– Giải thoát: Lìa bỏ mọi trói buột
– Tham thiền: tập trung tư tưởng suy ngẫm
– Ma Vương: vua của các loại ma
– Giác ngộ: Thức tỉnh và nhận biết sự thật một cách đúng đắn hoàn toàn.

IV/ CÂU HỎI
1. Thái tử lìa hoàng thành lúc nào và đi với ai?
2. Thái tử tu khổ hạnh với những ai?
3. Tu khổ hạnh tại những khu rừng nào, thời gian bao lâu?
4. Ai đã dâng bát sữa cho Thái tử?         
5. Thái tử ngồi thiền định bao lâu, ở đâu?
6. Thái tử Thành đạo lúc nào? Hiệu là gì?
(*) Nam Tông là 29 tuổi.
(**) Kiền trắc được Thái tử rất thương mến do vậy một tuần sau khi về hoàng cung, ngựa Kiền Trắc chết vì quá nhớ Thái tử.
(1) Tiếng Phạn là Gayasirsa (tức Tượng Đầu Sơn vì chót núi như đầu voi) ở phía nam thành Bát Na (Patna) nơi có linh địa là Buddha Gaya (Bồ đề đạo tràng), Chỗ Đức Phật thành đạo.
(2) Người cắt cỏ tên là Tô Đế Gia (Sothiya) hiến cho Đức Phật gồm tám lọn cỏ tốt.
Huynh trưởng chuẩn bị một số hình ảnh về Đức Phật xuất gia, tu khổ hạnh.v.v… để minh họa.
Tập cho các em hát bài “Đêm xuất gia” của Hoàng Cang.

C/ TRUYỀN ĐẠO ĐẾN NHẬP DIỆT (tiết 3)
I/ MỤC ĐÍCH: Giúp các em nắm vững được Đức Phật đã truyền đạo cho những ai và thời gian bao lâu cho đến ngày nhập diệt.

II/ NỘI DUNG BÀI GIẢNG:
Đức Phật truyền đạo
Đức Phật đến vườn Lộc Uyển (Vườn Nai hoặc là vườn Hươu) để thuyết giảng cho nhóm 5 anh em Kiều Trần Như. Khi thấy Đức Phật từ xa, nhóm 5 ông Kiều Trần Như bàn nhau cứ ngồi yên, nhất định không tiếp vì họ cho rằng Đức Phật đã thối chí bỏ cuộc việc tu khổ hạnh với họ. Thế nhưng, khi Đức Phật đến gần, tướng mạo uy nghi, hào quang rực rỡ, khiến họ không ai bảo ai, đều đứng dậy đón tiếp Phật một cách cung kính. Tiếp đó Đức Phật đã từ hòa thuyết pháp cho họ bài pháp đầu tiên là Tứ Diệu Đế (Bốn chân lý quý). Nghe pháp xong họ liền giác ngộ và từ đó thế gian mới có đủ Tam Bảo (Tức là Đức Phật, Bài Pháp Tứ Diệu Đế và Năm vị Kiều Trần Như)
Những người được Đức Phật hóa độ
Sau khi thành đạo, suốt 49 năm(1) ròng rã, Đức Phật đã lên đường hóa độ biết bao giai cấp, từ hàng vua chúa, quý tộc đến dân nghèo, từ thanh niên đến người già, từ bậc hiền đức đến kẻ hung bạo. Ngoài ra Đức Phật cũng đã độ cho hoàng tộc, gia đình, đặc biệt độ cho Di mẫu Kiều Đàm Di là người đã chăm sóc nuôi dưỡng với tất cả tình thương trìu mến từ lúc Đức Phật mồ côi mẹ.
Nhân duyên hoàn mãn
Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã đi khắp lưu vực sông Hằng hóa độ chúng sanh. Thế rồi một hôm khi ngang qua thành Tì Xá Li (Vaisali), lúc này Đức Phật đã trụ thế 80 năm, ngắm nhìn quang cảnh rồi bảo với Ngài A Nan (Ananda) trong vòng ba tháng nữa Đức Phật sẽ nhập diệt. Rồi khi băng qua một khu rừng, có người thợ rèn tên Thuần Đà (Cunda) cung thỉnh Đức Phật về nhà thọ trai, Đức Phật nói với A Nan: “Trong đời ta có hai người dâng cúng thức ăn được nhiều phước báu nhất là mục nữ Tu Xà Đề dâng cháo sữa, nay Thuần Đà dâng thọ trai trước khi ta nhập diệt”
Những lời dạy cuối cùng của Đức Phật.
Khi từ giã ông Thuần Đà, Đức Phật đi về Câu Thi Na (Kusinagara), cảm thấy không khỏe mới bảo ông A Nan dọn chỗ cho Đức Phật nằm nghĩ giữa hai cây Sa La (Sala). Đức Phật nằm trong tư thế nghiên mình bên phải, tay mặt lót làm gối, đầu hướng phía bắc, gương mặt hướng về phía tây trong khung cảnh ánh trăng le lói, lá gió nhẹ rung nhạc, suối reo nhịp đàn, hoa sa la rơi nhẹ phủ đầy.
Ông A Nan cho người đi thông báo, đệ tử kéo về chật kín khu rừng. Vừa lúc đó có một ông già Bà La Môn tên Tu Bạt Đà La (Subhadra) cố năn nỉ xin gặp Đức Phật, nhưng Ông A Nan không cho vì Đức Phật đang mệt. Đức Phật biết được liền cho phép ông ta vào và được Phật độ cho làm đệ tử cuối cùng.
Trước khi làm lễ Trà tì, Đức Từ Phụ đã dạy cho các hàng đệ tử: “Này các ngươi phải tự mình thắp đuốc lên mà đi, hãy lấy pháp của ta làm đuốc, Hãy lấy giới luật làm thầy!..”

III/ GIẢI NGHĨA TỪ VỰNG
– Hóa độ: Giáo hóa để cứu vớt chúng sanh ra khỏi biển khổ của cuộc đời.
– Tứ Diệu Đế:Bốn lẽ chân thật gồm: Khổ đế (Sự thật về cảnh khổ), Tập đế (sự thật về nguyên nhân của cảnh khổ), Diệu đế (Sự thật về diệt trừ cảnh khổ) và Đạo đế (Phương pháp tu hành để hết khổ).
– Thuyết pháp: Giảng giải giáo lý Nhà Phật
– Hào quang: Tia sáng phát ra quanh đầu.
– Tu khổ hạnh: Tu ép xác, bắt thân thể phải chịu đựng những điều cực khổ như đói, lạnh, nằm trên gai, nếm đủ mùi vị đắng cay.
– Thọ trai: dùng những thức ăn chay thanh khiết
– Nhập diệt: vào cảnh giới không còn sanh tử
– Giới luật: những quy định về khuôn phép của đạo Phật

IV/ CÂU HỎI
1. Đức Phật thuyết pháp lần đầu tiên tại đâu, cho ai nghe?
2. Bài pháp đầu tiên là gì?
3. Ngôi Tam bảo có từ lúc nào?
4. Thời gian Đức Phật đi thuyết pháp hóa độ bao nhiêu năm?
5. Ai cúng dường bữa ăn cuối cùng?
6. Vị đệ tử cuối cùng của Đức Phật là ai?
7. Đức Phật nhập diệt tại khu rừng nào, lúc bao nhiêu tuổi?
Lưu ý:
Chuẩn bị một số hình ảnh để minh họa.
Huynh trưởng cần nắm vững tên nhóm 5 anh em ông Kiều Trần Như (Kondanna hay Ajnata Kaudiya) là Ác Bệ (Avaijt) Bạt Đề (Bhadrika), Thập Lục Ca Diếp (Dasabala Kasyaba) và Ma Ha Nam Câu Ki (Mahanam Kulika) để giải thích thêm khi các em hỏi, chứ chưa đưa vào bài học.
Tập cho các em hát lại bài “Ánh Đạo Vàng” của Hằng Vang.
Huynh trưởng cũng cần nhớ các mốc thời gian cuộc đời và niên đại Đản sinh của Đức Phật khác nhau giữa Bắc tông và Nam tông để tùy trường hợp giải đáp thắc mắc của đoàn sinh.

Bắc Tông
– 17 tuổi cưới vợ
– 19 tuổi xuất gia
– 5 năm tìm đạo
– 6 năm tu khổ hạnh
– 30 tuổi thành đạo
– 49 năm thuyết pháp
– 80 tuổi nhập diệt

Nam Tông
– 16 tuổi cưới vợ
– 13 năm chung sống
– 29 tuổi xuất gia
– 6 năm tu khổ hạnh
– 35 tuổi thành đạo
– 45 năm thuyết pháp
– 80 tuổi nhập diệt

– Niên đại 623 (TCN) Nam Tông hiện đang sử dụng là căn cứ theo Bia Phật tại Bồ đề đạo tràng tại Ấn Độ.
– Niên đại 624 (TCN) được Đại Hội Phật giáo Thế giới tổ chức từ 25 đến 27/6/1950 tại Colombo, Thủ đô nước Sri Lanka quyết định chính thức. Hiện nay các ngày đại lễ Phật đản đều căn cứ vào niên đại này.

ÔN TẬP LỊCH SỬ ĐỨC PHẬT THÍCH CA
Phương pháp: vấn đáp, thảo luận, hoạt động, lý giải
Câu hỏi:
1/ Hãy cho biết ngày Đản sanh của Đức Phật ? Tên cha mẹ của Ngài
2/ Năm 2015 có Phật lịch bao nhiêu ?(PL = 2015 + 624 – 80 = 2559)
3/ Cuộc đời của Đức Phật gắn liền với ba cây gì ?
(Đản sanh: cây Vô Ưu; Thành đạo: cây Bồ Đề; Niết bàn: cây Sa La Song Thọ)
4/ Thập Đại đệ tử của Đức Phật gồm những ai ?
(Ma Ha Ca Diếp, Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên, Phú Lâu Na, Ca Chiên Diên, Ưu Ba Ly, A Nan Đà, A Nan Luật, La Hầu La, Tu Bồ Đề)
5/ Hiện nay ở Ấn Độ, Népal có “Tứ động tâm” là những nơi nào ?
{(vườn Lâm Tỳ Ny, vườn Lộc Uyển, Bồ Đề Đạo Tràng (Népal); Thành Câu Thi Na (Sa La Song Thọ) }
6/ Hãy giải thích ngắn gọn lời dạy của Đức Phật: “Hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi”
7/ Năm anh em ông Kiều Trần Như là ai ?
(Kiều Trần Như, Ác Bệ, Thập Lịch Ca Diếp, Ma Ha Nam, Bạc Đề)
8/ Lời dạy nào của Đức Phật thể hiện đạo Phật là đạo của sự bình đẳng ?
(không có giai cấp trong dòng máu cùng đỏ và nước mắt cùng mặn)
Ghi chú:
– Có thể tổ chức hùng biện giữa các đàn có sự tham dự của Ban Huynh Trưởng, có phần thưởng khuyến khích các em.
– Tổ chức thảo luận trong các buổi giao lưu liên gia đình.

Thêm đánh giá
1
2
3
4
5
Đồng ý
     
Huỷ

Đánh giá bài viết

Gia đình Phật tử thành phố Huế
Đánh giá trung bình:  
 0 đánh giá