A/ NGƯỜI ĐẠO SĨ CHÍ HIẾU (tiết 1)
I/ MỤC ĐÍCH: Qua câu chuyện giúp các em hiểu được tấm lòng chí hiếu của vị đạo sĩ đã làm thần linh xúc động cứu mạng.
II/ NỘI DUNG BÀI GIẢNG
1. Nội dung câu chuyện.
Ngày xưa có một đạo sĩ tên Quang Thiêm nhà nghèo, cha mẹ lại bị mù. Đạo sĩ là người con hiếu thảo, chăm sóc cha mẹ rất chu đáo. Vì thấy người đời ham danh trục lợi, không biết làm lành tránh dữ nên đạo sĩ đưa cha mẹ vào rừng dựng một căn chòi nhỏ để vừa phụng dưỡng cha mẹ vừa được yên tĩnh tu tập. Khu rừng này có một con suối nước trong mát, ven suối cây cối tốt tươi, nhiều hoa thơm trái ngọt. Quang Thiêm hàng ngày đi hái lượm hoa trái đem về nuôi cha mẹ, tuyệt đối không bao giờ săn bắt giết hại thú rừng để làm thức ăn.
Một hôm, như thường lệ Quang Thiêm đến con suối kia hái quả, thì gặp lúc vua Ca Di vào rừng săn bắn. Nhà vua nghe tiếng động trong lùm cây, tưởng là con hươu liền dương cung bắn.Mũi tên cắm vào hông làm đạo sĩ té nhào xuống dòng suối và bất tỉnh. Nhà vua và quân lính thấy vậy liền chạy lại cấp cứu, đạo sĩ hồi tĩnh nhưng biết mình không thể sống được mới than: “Các ngài ơi, thân tôi dù chết cũng đành, nhưng ngặt vì tôi còn cha mẹ già mù lòa không ai nuôi dưỡng chắc phải chết vì đói. Kính lạy Phật trời hiểu thấu cho con nỗi khổ đau này mà cứu độ cho cha mẹ con được thoát nạn ”. Vừa nói xong đạo sĩ tắt thở.
Vua Ca Di nghe vậy rất cảm động, không cầm được nước mắt và than thở.“Ôi! Ta quả thật là một kẻ bất nhân, chỉ vì ham thích săn bắn thú vật để thỏa mãn thú vui và cũng vì ưa thịt thú rừng mà đã giết lầm người con chí hiếu như thế này!”
Sau đó nhà vua tìm đến nơi cha mẹ Quang Thiêm ở để định đem về chăm sóc nuôi dưỡng.Khi nghe tin con chết, hai ông bà già kêu gào thảm thiết. Cả hai lần mò đến bên xác con ôm chầm lấy, vuốt ve, khóc lóc, kể lể không dứt, rồi nguyện nhịn đói để chết theo với đứa con hiếu thảo. Cảm động trước lòng chí hiếu của Quang Thiêm và tình thương con tha thiết của người cha mẹ già, một vị thần hiện xuống cứu cả ba người sống lại. Cả ba người vô cùng mừng rỡ đồng quỳ lạy tạ ơn vị Thần đã cứu mạng và cùng nhau trở về căn chòi cũ.
Chứng kiến lòng hiếu thảo của Quang Thiêm, tình thương cốt nhục sâu nặng của cha mẹ mù lòa và sự linh ứng của vị thần cứu mạng, vua Ca Di hồi tâm sám hối, từ đó về sau không còn săn bắn nữa mà chăm làm điều lành, tốt đẹp để trị quốc an dân.
2. Ý nghĩa của câu chuyện:
Đạo sĩ Quang Thiêm chí hiếu là tiền thân Đúc Phật Thích Ca, cha mẹ đạo sĩ là tiền thân của Vua Tịnh Phạn và hoàng hậu Ma Da và vua Ca Di là tiền thân của ngài A Nan.
Đạo sĩ Quang Thiêm một người con đại hiếu, hết lòng phụng dưỡng cha mẹ, trước khi chết vì mũi tên của Vua Ca Di bắn, đạo sĩ không nghĩ tới thân mạng mình mà chỉ hết lòng cầu xin Phật trời cứu độ cho cha mẹ được an lành. Lòng chí hiếu ấy và tình thương con bao la của hai người già mù lòa đã làm cho vị Thần xúc động, hiện xuống cứu cả ba người sống lại. Lòng chí hiếu của Đạo sĩ cũng tác động vua Ca Di bỏ hẳn việc đi săn bắn mà chăm lo việc nước.
B/ CON KHỈ NHÂN TỪ (tiết 2)
I/ MỤC ĐÍCH: Qua câu chuyện giúp các em hiểu được con Khỉ nhân từ là tiền thân của Đức Phật Thích Ca, có tình thương rộng lớn không oán thù dù người đó cố tình hại mình.
II/ NỘI DUNG BÀI GIẢNG:
1. Nội dung câu chuyện.
Thuở xưa có một con khỉ lớn, mạnh khỏe, thông minh lại có lòng nhân từ (*).Nó thường đi khắp các núi rừng cứu giúp người bị nạn. Một hôm đang ngồi trên cành ăn trái cây, khỉ ta nghe tiếng người than khóc từ phía dưới hang đá vọng lên. Nó liền xuống hang thấy một người bị kẹt không thể lên được. Nó bèn nói cho người đó yên tâm: “Anh đừng sợ, tôi đến đây để cứu anh, anh hãy leo lên lưng tôi để tôi cõng anh lên khỏi hang”. Trong lòng anh còn lo ngại, nhưng lóe lên niềm hy vọng, anh ta đánh liều leo lên lưng, ôm chặc cổ con khỉ. Khi ta thận trọng vịn từng nhánh cây, bám từng khớp đá vô cùng mệt nhọc, mồ hôi ra nhễ nhãi, cuối cùng khỉ đưa người bị nạn lên mặt đất. Cả người và vật hết sức mừng rỡ, nhưng vì quá mệt nên cả hai đều nằm lăn ngủ say dưới một gốc cây.
Khi tỉnh dậy, anh chàng được cứu sống nghĩ trong bụng: “Ta đói cồn cào vì mấy bữa nay chẳng có gì ăn, chi bằng trong lúc con khỉ đang ngủ, ta giết nó đi để lấy thịt ăn mới có sức tìm đường về nhà ”. Nghĩ thế, anh ta liền nhặt một hòn đá và giáng mạnh xuống đầu con khỉ. Nhưng thật may cho khỉ, hòn đá chệch một bên, chỉ làm sướt một mảng da đầu. Giật mình bừng tỉnh, khỉ nhảy tót lên ngọn cây, máu chảy lênh láng.Nó định tĩnh trố mắt nhìn xuống, lòng cảm thấy ngao ngán trước lòng dạ nham hiểm độc ác của kẻ phản phúc, chẳng biết ơn cứu mạng mà lại cố tâm giết mình. Tuy vậy khỉ không dấy lên lòng oán hận cho dù vết thương trên đầu còn đau, máu còn chảy. Hơn nữa, khi thấy con người phản phúc kia đang run rẩy, khỉ cũng động lòng không cầm được nước mắt.
Một lúc sau con khỉ nhân từ chuyền cây lặng lẽ bỏ đi.
2. Ý nghĩa của câu chuyện:
Con khỉ nhân từ kia là một tiền thân của Đức Phật Thích Ca. Từ những tiền thân xưa, Đức Phật đã có lòng thương chúng sanh thật vô cùng rộng lớn, không oán thù bất cứ ai dù người đó có cố tình làm hại đến mình, nhờ động lực tình thương rộng lớn đó mà sau này Đức Phật xuất gia tìm đạo cứu độ chúng sanh.
Qua câu chuyện tiền thân trên các em hãy từng bước nuôi dưỡng lòng từ để tình thương ngày càng rộng lớn, gạt bỏ dần những gì nhỏ nhen thù hằn, oán hận.
(*) Con khỉ kể trong chuyện tiền thân này thuộc loài linh trưởng giống người, gồm bốn loài, liệt kê dưới đây giúp các em hiểu thêm:
1. Khỉ đột: rất to, khỏe, cao đến 2 mét, nặng 200kg, loài ăn quả
2. Đười ươi: hai tay rất dài, sống trên cây và ăn quả.
3. Tinh tinh: Sống trên cây theo đàn, dễ thuần hóa, thường cao 1,40 m nặng 75 kg, tuổi thọ 50 năm. Con khỉ trong truyện tiền thân có thể là loài này.
4. Vượn: loài khỉ không đuôi, hai cánh tay dài, chuyền cành rất giỏi, cao 1m.
Hiện nay, ở Công gô (Châu Phi) và Borneo (Indonesia), có trung tâm bảo vệ các loài linh trưởng và chúng tỏ ra dễ mến và và gần gũi với con người. Huynh trưởng nên sưu tầm hình ảnh các loài linh trưởng trên để minh họa cho các bài học càng thêm sinh động. Dự kiến trong tương lai nếu điều kiện cho phép, các tiết học đưa vào đĩa từ và có hình ảnh minh họa.
Thêm đánh giá | |