Bậc Cánh mềm: Các mẫu chuyện Đạo, chuyện tiền thân

A/ HOÀNG TỬ NHẪN NHỤC (tiết 1)
I/ Mục đích: Qua câu chuyện em hiểu được Hoàng tử Nhẫn Nhục là tiền thân của Đức Phật Thích Ca là người con chí hiếu và giàu lòng thương người.

II/ Nội dung bài giảng.
1. Câu chuyện
Ngày xưa, có một vị Hoàng tử tên là Nhẫn Nhục, nổi tiếng là một người giàu tình thương và nhất là lòng hiếu thảo đối với cha mẹ thì không có ai sánh được.
Một hôm vua cha bị một căn bệnh hiểm nghèo. Cả triều đình chạy chữa biết bao thuốc men nhưng sức khoẻ vua cha vẫn trầm trọng, không thể cứu sống được, đành phải chờ chết. Một tên gian thần thấy tình trạng như vậy, trong đầu óc nó dấy lên âm mưu đen tối lợi dụng cơ hội tốt này để chiếm đoạt ngôi vua. Nó nghĩ trước hết phải loại trừ Thái tử, bằng cách tác động vào lòng hiếu thảo của Thái tử cho nên nó nói:
– Tâu Hoàng tử, chỉ có cách lấy não của người con chí hiếu và giàu tình thương người để làm thuốc thì mới cứu được mạng sống của vua cha.
Nghe vậy, Hoàng tử Nhẫn Nhục không một chút chần chừ, chẳng tiếc gì mạng sống của mình, bèn ra lệnh chặt đầu mình để lấy não làm thuốc làm thuốc cứu sống vua cha.
Nhưng lòng chí hiếu tột đỉnh của Hoàng tử sẵn sàng hy sinh tính mạng vì quá thương tiếc vua cha đã làm cho trời đất rung động. Nhờ đó, lệnh chưa được thi hành thì vua cha bỗng nhiên lành bệnh, khiến cả triều đình đều vô cùng mừng rỡ.
2. Ý nghĩa câu chuyện: Hoàng tử Nhẫn Nhục chính là một tiền thân của Phật Thích Ca, rất chí hiếu và thương người. Trên đời này chỉ có tình thương chân thật là cao quý nhất. Các em hãy luôn trau dồi hạnh nhẫn nhục và mở rộng lòng thương của mình thì cuộc đời các em mới hưởng được những điều tốt đẹp.

III/ Giải nghĩa từ vựng:
– Nhẫn nhục:chịu đựng để vượt lên những điều bất ý.
– Âm mưu: mưu kế bí mật.

IV/ Câu hỏi: Các em hãy tóm lược câu chuyện? Âm mưu của tên gian thần có thành công không? 

B/ CON THỎ MẾN ĐẠO (tiết 2) 
I/ Mục đích: Qua câu chuyện em hiểu được con Thỏ mến đạo là tiền thân của Đức Phật Thích Ca đã hết lòng vì đạo

II/ Nội dung bài giảng.
1. Câu chuyện
Ngày xưa có một đạo sĩ tu hành trong rừng sâu, lại có một con thỏ rất mến đạo, nó ở gần đạo sĩ để được nghe kinh. Vì thế, hằng ngày thỏ đi kiếm hoa trái dâng cho đạo sĩ. Nhưng có một lúc, trời mưa lạnh kéo dài gần như không dứt, hoa trái chẳng còn, thỏ ta cố hết sức tìm kiếm cũng không có gì để dâng cho đạo sĩ ăn.
Trước cảnh khó khăn như vậy, vị đạo sĩ có ý định quay về Tịnh xá. Biết được ý định của vị đạo sĩ, thỏ ta rất buồn nghĩ từ nay không còn được nghe Pháp và nghĩ mình mang ơn đạo sĩ lâu nay giảng dạy mà chưa có cách gì đền đáp bèn thưa với đạo sĩ hãy nhóm lửa lên. Khi ngọn lửa cháy lên thỏ liền nhảy vào với ý định lấy thân mạng mình làm thức ăn để đạo sĩ tiếp tục tu hành.
Vị đạo sĩ vội cứu thỏ ra khỏi ngọn lửa và khi biết được mục đích hy sinh cao thượng của thỏ, vị đạo sĩ rất cảm động và tự mình quyết tâm chịu đựng mưa rét, đói khổ, tiếp tục tu hành bên cạnh con thỏ hết mình mến đạo.
2. Ý nghĩa câu chuyện: Con thỏ mến đạo là một tiền thân của Đức Phật Thích Ca. Trong quá khứ, Đức Phật đã hết lòng vì đạo, sau này chính vì tinh thần mến đạo ấy mà Thái tử Tất Đạt Đa xuất gia tìm đạo cứu độ chúng sanh.
Các em rút ra tinh thần câu chuyện mà siêng năng tu học như điều thứ nhất của Oanh vũ: Em tưởng nhớ Phật.

III/ Giải nghĩa từ vựng:
– Đạo sĩ: người tu hành theo đạo giáo tốt đẹp.

IV/ Câu hỏi:
1. Các em hãy tóm lược câu chuyện?
2. Thỏ nhảy vào lửa có mục đích làm gì?
3. Việc thỏ nhảy vào lửa có tác động như thế nào đối với vị đạo sĩ?

C/ NGƯỜI LÀNH HIẾM CÓ (tiết 3)
I/ Mục đích: Qua câu chuyện em hiểu được người lành hiếm có là tiền thân của Đức Phật Thích Ca đã diệt trừ được lòng tham.

II/ Nội dung bài giảng.
1. Câu chuyện
Ngày xưa có một chàng trai nghèo, nhưng thông minh, đặc biệt là có phép lạ là nghe hiểu tiếng chim thú. Chàng làm thuê cho một người giàu có.
Một hôm, chàng cùng chủ đi buôn, trên đường đi hai người ngồi nghỉ chân dưới một bóng cây lớn. Chàng trai nghe bầy quạ kêu om sòm, ý của chúng mách cho chàng biết trong túi ông chủ có một viên ngọc vô cùng đắt giá, hãy thừa lúc ông chủ ngủ mà giết đi, đoạt lấy ngọc thì chàng sẽ giàu có.
Nghe vậy, chàng trai chỉ mỉm cười bởi chàng nghĩ không nên để lòng tham làm đen tối lương tri mà có hành động bất nhân cướp của giết người.
Thấy chàng trai cười, ông chủ hỏi bầy quạ nói gì. Chàng ta mới kể lại những lời quạ nói. Nghe xong, ông chủ vô cùng khâm phục lòng chân thành, cao thượng của người giúp việc. Từ đó ông đối xử với chàng trai rất tử tế, chân tình không khác gì như đối với một người em ruột.
2. Ý nghĩa câu chuyện: Chàng trai hiền lành ít có đó là tiền thân của Đức Phật Thích Ca đã diệt trừ lòng tham trong quá khứ. Sau này Thái tử Tất Đạt Đa không một chút tham lam vật chất mới bỏ cung vàng điện ngọc, xuất gia tìm đạo cứu độ chúng sanh.

III/ Giải nghĩa từ vựng:
– Khâm Phục: Tỏ lòng kính phục.

IV/ Câu hỏi:
1. Các em hãy tóm lược câu chuyện?
2. Đức tính gì của chàng trai đã cảm hoá được ông chủ?

Thêm đánh giá
1
2
3
4
5
Đồng ý
     
Huỷ

Đánh giá bài viết

Gia đình Phật tử thành phố Huế
Đánh giá trung bình:  
 0 đánh giá