Bậc Cánh mềm: Tam Bảo - Quy y Tam Bảo

A/ TAM BẢO (tiết 1)
I/ Mục đích: Các em hiểu được tam bảo là gì?

II/ Đồ dùng dạy học:
– Hình ảnh một vài vị Phật.
– Vài quyển kinh sách
– Hình ảnh các vị Tăng.
Tốt hơn hết bài dạy này được giảng dạy ngay sau khi lễ Phật xong cho các em quan sát kỹ theo sự chỉ dẫn của anh chị trưởng.

III/ Nội dung bài giảng:
Phật Pháp Tăng là ba ngôi báu quý nhất.
Phật: là vị hiểu biết cùng khắp, hoàn toàn sáng suốt cứu mình cứu người ra khỏi cảnh khổ, sống, già, đau, chết (tự giác, giác tha, giác hạnh viên mãn.)
Pháp: là những lời Phật dạy và những lời luận bàn của các bậc Bồ Tát, Tổ Sư. Pháp gồm Kinh, Luật và Luận tạng
Tăng: là các vị xuất gia, trọn đời tu theo đạo Phật, sống từng nhóm 4 người trở lên, đem theo lời Phật dạy dìu dắt mọi người tu theo đạo Phật.
Phật – Pháp – Tăng là ba ngôi rất quý báu, chúng ta phải luôn luôn tôn kính thờ phụng bằng cách:
– Hằng ngày niệm Phật để tưởng nhớ Phật.
– Luôn luôn vâng lời làm đúng theo lời Phật dạy, chăm học Phật Pháp để tu tiến.
– Luôn luôn noi gương các Thầy, đi họp chuyên cần để học hỏi và khuyên bạn bè vào Đoàn

IV/ Câu hỏi hướng dẫn:
1. Kể ba ngôi báu? Phật là gì? Pháp là gì? Tăng là gì?
2. Vì sao Phật – Pháp – Tăng là quý nhất?
3. Em phải làm gì để tỏ lòng tôn kính Phật- Pháp- Tăng?

V/ Thực hành:
 Em luôn tôn kính và thờ phụng Phật- Pháp- Tăng

B/ QUY Y TAM BẢO (tiết 2)
I/ Mục đích: Các em hiểu được quy y tam bảo là thế nào?

II/ Nội dung bài giảng
1. Định nghĩa Quy Y Tam Bảo
Có mấy từ ngữ các em cần làm rõ nghĩa:
a. Ý nghĩa quy y (quy y là gì?)
– Quy nghĩa là quay trở về. Y là y cứ, vâng theo, nương tựa
– Quy y nghĩa là quay trở về y cứ, vâng theo, nương tựa vào một nơi chốn nào đó cao cả, chắc chắn sẽ đưa mình đến sự tốt đẹp an vui.
b. Ý nghĩa Tam Bảo (Tam Bảo là gì?)
Tam Bảo là 3 ngôi quý báu nhất trên đời. Tam bảo gồm Phật Bảo, Pháp Bảo, Tăng Bảo (gọi tắt là Phật, Pháp, Tăng)
c. Ý nghĩa quy y Tam Bảo (thế nào là quy y Tam Bảo?)
Quy y Tam Bảo là quay trở về nương tựa vào ba ngôi báu quý nhất trên đời là Phật -Pháp – Tăng có thể hướng dẫn chúng ta ra khỏi bể khổ cuộc đời đạt đến giải thoát an vui.
2. Tại sao phải Quy Y Tam Bảo?
a. Tại sao quy y Phật?
Chúng ta quy y Phật vì Ngài là vị hoàn toàn sáng suốt (bậc Đại giác ngộ) có thể đưa đường chỉ lối cho chúng ta ra khỏi cảnh khổ cuộc đời.
b. Tại sao Quy y Pháp?
Chúng ta quy y Pháp vì Pháp là lời dạy của Phật, là phương pháp tu hành của Phật, là giáo lý của Phật, nhờ làm theo lời Phật dạy chúng ta sẽ trừ bỏ tham sân si giải thoát khỏi khổ đau.
c. Tại sao quy y Tăng?
Tăng là đoàn thể gồm 4 người trở lên xuất gia tu hành theo đạo Phật, sống lục hoà, thanh tịnh, suốt đời hy sinh cho mọi người. Chúng ta quy y Tăng là các vị thầy dắt dìu ta tu hành theo Phật pháp hướng đến giác ngộ giải thoát an vui.
d. Khi quy y Tam Bảo phải làm thế nào?
– Muốn quy y Tam Bảo, chúng ta phải tham dự một Lễ Quy y. Lễ Quy y do Niệm Phật Đường hay Ban Huynh trưởng tổ chức trình lên Giáo hội cung thỉnh Tăng già truyền giới. Trước lễ Quy y, chúng ta tắm rửa sạch sẽ, ăn chay, sám hối các lỗi lầm cho thân tâm được trong sạch nhẹ nhàng. Trong khi quy y chúng ta tự nguyện và thành khẩn phát tâm theo sự hướng dẫn của vị Thầy truyền giới mà xin trọn đời quy y theo Phật, Pháp, Tăng và giữ năm giới cấm, bỏ ác làm lành sống tốt đời đẹp đạo.
– Vị thầy ban truyền giới pháp gọi là vị Bổn sư của chúng ta đặt cho ta một tên đạo gọi là Pháp danh. Từ đó, Pháp danh ấy và năm giới cấm mà chúng ta đã phát nguyện tuân giữ, bất kỳ lúc nào, ở đâu, trong hoàn cảnh nào cũng đi sát cánh cùng ta qua ý nghĩ, lời nói việc làm tốt đẹp lợi ích, xây dựng cuộc đời an vui.
KẾT LUẬN:
Quy y Tam Bảo là hành động tự giác tự nguyện vì chỉ có Phật, Pháp, Tăng mới có thể dẫn ta từ bóng tối cuộc đời ra ánh sáng giác ngộ, đưa ta từ cảnh phiền não khổ đau bởi tham sân si đến sự giải thoát an vui.
Hạnh phúc thay cho những ai được quy hướng Tam Bảo: Phật Pháp Tăng.

III/ CÂU HỎI:
1. Tại sao em quy y Tam Bảo?
2. Quy y Tam bảo có lợi ích gì?
3. Muốn quy y Tam bảo em cần phải làm gì?
4. Em quy y vào năm nào? Ở đâu? Pháp danh là gì? Vị Bổn sư truyền giới cho em là vị nào?

Thêm đánh giá
1
2
3
4
5
Đồng ý
     
Huỷ

Đánh giá bài viết

Gia đình Phật tử thành phố Huế
Đánh giá trung bình:  
 0 đánh giá